Đăng Đàn Cung
Bản Quốc Thiều Việt Nam đầu tiên -- 1802
Hòa âm & đặt lời mới: Ngọc Phan
(Non Sông Vang Câu Ca Mừng)
Trình bày: Tốp ca nữ
Khắp đất trời quê ta rộn rã lời ca,
Mừng đất nước đổi mới chan hoà.
Nhịp nhàng gái trai trẻ già, nắn cung đàn cùng hát lời ca,
Mừng đất nước đổi mới chan hoà,
Đời vui ấm no muôn nhà, tiếng ca cùng hoà.
Khắp đất trời quê ta tiếng ca đậm đà.
Các dân tộc Việt Nam cùng đón niềm vui,
Mừng đất nước rộn rã tiếng cười.
Bạn bè khắp nơi trao lời, chúc mừng đất nước đẹp tươi,
Mừng Thủ đô - Thành phố bao đời,
Sử xanh vẫn luôn rạng ngời chiến công tuyệt vời.
Bao bạn bè năm châu hát chung niềm vui.
Đây đất trời Thăng Long, Rồng chiếu hiển linh,
Ngàn năm sáng dải đất ân tình.
Cùng nhau sống trong thanh bình, tô thêm màu mảnh đất đẹp xinh,
Ngàn năm sáng dải đất ân tình,
Cùng vui sống trong thanh bình, tiếng ca ngọt lành.
Vui hát mừng Thủ đô xứng danh Hoà Bình.
Vui hát mừng Thủ đô xứng danh Hoà Bình,
Vui hát mừng Thủ đô xứng danh Hoà Bình.
Ghi thêm:
1. Dù rất giàu trí tưởng tượng, cũng chẳng thể nào hình dung các vị vua quan xếp hàng nghiêm trang đứng ở trước sân chầu, ngước mắt lên trời xanh, để mà hát quốc ca. Do đó thời phong kiến xa xưa hiển nhiên là chỉ có "quốc thiều".
2. Từ vua Lê Thái Tôn lên ngôi (1437), vua đã sai Nguyễn Trãi cùng với Lương Đăng soạn làm loan giá, nhạc khí, dạy tập nhạc và múa. Vậy ắt hẳn nước ta phải có quốc thiều từ đó. Nhưng thời gian thì xa quá, chẳng ai khảo cứu và thu âm lại được. Cho đến sau này, cũng không thấy nói các vị vua triều Tây Sơn đặt thêm những loại nhã nhạc cung đình nào.
3. Vua Gia Long lên ngôi (1802), ông đã cho soạn thảo âm nhạc cung đình Phú Xuân để sử dụng trong các đại lễ của triều đình. Bản "Đăng đàn cung" được sáng tác từ đó và sử dụng ngay trong lễ đăng quang.
4. Vua Bảo Đại về nước nối ngôi (1932). Một thời gian sau, vua xuống chiếu lấy cờ "Long tinh" làm quốc kỳ, bản "Đăng đàn cung" làm quốc ca. Từ đó, bản nhạc này đã bắt đầu có lời, do ông Nguyễn Phúc Ưng Thiều đặt. Còn có một số lời khác cho bản nhạc này, nhưng đều biểu hiện tinh thần "Pháp -- Việt đề huề". Bây giờ chẳng ai muốn nhắc lại.
5. Ông Nguyễn Đình Thi, một nhà văn hóa lớn của Cách mạng, năm 1945 cũng đặt lời cho bản này như sau (theo hồi ức của ông Nguyễn Huy Thắng):
Sông núi ta còn thắm nhường kia,
Chúng ta còn yêu đồng bào.
Gương người xưa, lòng ta há phút giây nào phai,
Đồng bào! Mau chung sức nhau nắm tay ta thề,
Yêu thương non nước, dìu dắt nâng cao nòi giống nước Nam nhà.
Chung sức và chung lòng, không ngại ngùng ta ra đời.
Tin tài ta, tin chắc nơi ngày mai...
6. Chỉ cứ nghe "quốc thiều" không, thì ngày nay bình dân ít ai hình dung ra tiết tấu, nhịp điệu bản "quốc ca" đầu tiên nó ra thế nào. Nhạc sỹ Ngọc Phan đã hòa âm và soạn lại lời mới (ca ngợi Thủ đô Hà nội 1000 năm tuổi) cho điệu "Đăng đàn cung", tựa đề "Non Sông Vang Câu Ca Mừng".