Quê Mình, Quê Thơ
Nhạc: An Thuyên
Lời: Yến Thanh
I.Quê mình ai ơi, Hà Tĩnh quê thơ, Sông Lam, Núi Hồng quấn quýt bên nhau. Hèn chi cò trắng phải lòng ca dao. Hèn chi hạt muối trắng xóa lung linh rơi đầy.
Em còn nhớ không, Phượng Hoàng(1) bay ngang, say mê chốn này nên núi nên sông. Hèn chi Ngàn Hống(2) dựng vào thiên thu. Vần thơ lệ ưá, nên non muôn cao Truyện Kiều(3).
Gió (ư) Đò Đưa(4), Trăng (ơ) Phường Vải. Mưa mai lục bát nắng trưa ca trù (5). Mưa úng đất, nắng mẻ(6) trời. Mẹ nhòa nước mắt ướt đầm chân chim. Thương nhau chi lắm, Cổ Đạm(7) lửa nung. Tình như lửa cháy.... nên thơ, nên thơ Quê mình, Hà Tĩnh ơi.
Ơ hò dô, mưa hát dạo. Cơn giông chiều khát, nước non Giang Đình(8). Thông hát ví đứng giữa đời, Vần thơ Công Trứ(9) khát lời nhân gian. Lần tìm cát trắng, đò nặng chân đê. Tình yêu gọi mãi trốn trăng theo em tìm về Hà Tĩnh ơi, Quê mình quê thơ...
II.Quê mình ai ơi, Hà Tĩnh quê thơ, Sông Lam, Núi Hồng quấn quýt bên nhau. Hèn chi cò trắng phải lòng ca dao. Hèn chi hạt muối trắng xóa lung linh rơi đầy.
Gió (ư) Đò Đưa(4), Trăng (ơ) Phường Vải. Mưa mai lục bát nắng trưa ca trù (5). Mưa úng đất, nắng mẻ(6) trời. Mẹ nhòa nước mắt ướt đầm chân chim. Thương nhau chi lắm, Cổ Đạm(7) lửa nung. Tình như lửa cháy.... nên thơ, nên thơ Quê mình, Hà Tĩnh ơi.
Ơ hò dô, mưa hát dạo. Cơn giông chiều khát, nước non Giang Đình(8). Thông hát ví đứng giữa đời, Vần thơ Công Trứ(9) khát lời nhân gian. Lần tìm cát trắng, đò nặng chân đê. Tình yêu gọi mãi trốn trăng theo em tìm về Hà Tĩnh ơi, Quê mình quê thơ...
1.Phượng Hoàng: 100 con chim Phượng Hoàng bay qua Hà Tĩnh, thấy phong cảnh hữu tình nên đậu trên dãy Núi Hồng (Hồng Lĩnh).
2.Ngàn Hống: Tên gọi khác của dãy núi Hồng Lĩnh.
3.Truyện Kiều: Tác phẩm văn học nổi tiếng của Đại Thi hào Nguyễn Du (quê quán tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
4.Đò Đưa, Phường Vải: Hai thể loại của Ví dặm Nghệ Tĩnh.
5.Ca Trù: Loại hình ca nhạc dân gian.
6.Mẻ: Tiếng địa phương, có nghĩa là vỡ.
7.Cổ Đạm: Một xã thuộc huyện Nghi Xuân, nổi tiếng trong tỉnh với phong trào ca trù.
8.Giang Đình: Theo sách Nghi Xuân địa chí của Lê Văn Diễn thì trước đây, bên Giang Đình gọi là bến đò Tả Ao từ xã Uy Viễn (Xuân Giang) qua làng Yên Lưu huyện Châu Lộc, nay là thị trấn Nghi Xuân. Bến đò nằm ở bờ nam sông Lam, giữa vùng cư dân trù phú có địa thế mặt bằng rộng, độ sâu thích hợp, vào mùa hè nước trong xanh, rất thuận lợi cho thuyền bè cập bến.
9.Nguyễn Công Trứ con quan Đức Ngạn hầu Nguyễn Công Tấn, quê ở làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ngay từ thuở còn hàn vi ông đã nuôi lý tưởng giúp đời, lập công danh, sự nghiệp.Ông nổi tiếng ở cả ba lĩnh vực: Quân sự; Kinh tế (chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển, lập ấp, khai sinh các huyện Kim Sơn (thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay), Tiền Hải (thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay) vào những năm cuối thập niên 1820); và Thơ ca (đời ông đầy giai thoại, giai thoại nào cũng cho thấy bản lĩnh sống, bản lĩnh trí tuệ và mang tính bình dân sâu sắc. Thơ ông sinh động, giàu triết lý nhân văn nhưng hóm hỉnh, đó là chất thơ có được từ đời sống, lấy đời sống làm cốt lõi)....