Múa Nón: Những Cánh Hoa Ban.
Điệu múa do Nghệ sỹ Nhân dân Minh Tiến cải biên trên cơ sở điệu xé cúp của dân tộc Thái, âm nhạc do Nhạc sỹ Lê Lan sáng tác dựa theo dân ca Thái.
Múa Nón là loại múa tập thể nữ từ 8 đến 12 người, đạo cụ chính xác thì phải là trang phục dân tộc Thái cùng với chiếc nón Thái (nón bằng).
Nội dung điệu múa ca ngợi sự tươi đẹp, duyên dáng của các cô gái Thái Tây Bắc. Đây là tiết mục múa kinh điển của nền ca múa nhạc cách mạng Việt Nam, đã từng đoạt được giải thưởng Quốc tế tại Liên hoan Matxcơva năm 1957.
Mở đầu: hình tượng hoa ban nở.
Phần I: những động tác nhịp nhàng, uyển chuyển của xé cúp Mường Lay với nón che đầu, nón ngang vai... nói lên sự dịu dàng, duyên dáng của các cô gái.
Phần II: những động tác nhanh hoạt của xé Phong Thổ, mô tả không khí vui tươi rộn ràng.
Kết thúc: trở lại hình tượng hoa ban nở.
Trong một bài viết, nhà lý luận phê bình Thái Phiên đã phát biểu:
Xem xòe Thái của các đội xòe thế kỉ XIX-XX, các vũ công khi thể hiện những điệu xòe nổi tiếng bao giờ cũng e lệ, khép nép, thậm chí không dám ngẩng cao đầu nhìn "quan trên", bởi lúc đó họ là những nô lệ mua vui cho các "ông chủ". Luật lệ khắt khe của chế độ phong kiến không cho họ được phép tùy tiện. Song, cũng những điệu xoè đó, khi được NSND Minh Tiến đưa vào múa "Những cánh hoa ban" thì hoàn toàn khác. Những cô gái Thái của thế kỷ XX-XXI được tự do, bình đẳng... đã có quyền ngẩng cao đầu rạng rỡ đón chào những mùa xuân mới.
Ông còn khẳng định:
Đó chính là tính đương đại trong tác phẩm múa dân gian, dân tộc và rất có thể trong mỗi thời đại, thẩm mỹ lại có thay đổi phù hợp mà vẫn không mất đi bản sắc riêng của dân tộc, của đất nước mình.