Nghệ sĩ Út Hậu tên thật là Trần Quang Hậu, sanh năm 1940 tại Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long. Lúc 7 tuổi, Ông được cha mẹ cho đi tu tại chùa Thiên Phước ở Trà Ôn. Khi đọc kinh kệ, Ông có giọng trong trẻo khiến nhạc sĩ Mười Kiên ở Trà Ôn mỗi lần đi cúng kiếng ở chùa Thiên Phước để ý, dạy cho Ông ca cổ.Từ đó, chú tiểu Hậu thường được giới thiệu ca vọng cổ ở chùa trong những dịp có nghệ sĩ của các đoàn hát đến cúng kiếng và lên sân khấu trong các chương trình gây quỹ từ thiện. Ông Mười Kiên thấy tiểu Hậu ca hay, nếu theo gánh hát thì sẽ trở thành người có tài. Bởi vậy ông nói với nhà sư rồi dẫn Hậu lên Saigon, giới thiệu với nghệ sĩ Út Trà Ôn là chủ đoàn hát Kim Thanh và cũng là người cùng quê ở Trà Ôn. Út Trà Ôn đặt nghệ danh cho tiểu Hậu là Út Hậu.
Năm 1957, 17 tuổi, Út Hậu rời đoàn Kim Thanh, gia nhập đoàn Thanh Minh của ông bầu Nghĩa, nổi danh qua vai Phù Đổng Thiên Vương trong vở "Thiên Thần Trên Thiết Mã" của hai soạn giả Nguyễn Ang Ca và Viễn Châu. Tiếp theo, Út Hậu đóng chung với nghệ sĩ Thanh Nga trong vở Phận Trẻ Lạc Loài của soạn giả Quy Sắc.
Năm 1958, 18 tuổi, Út Hậu được ông bầu Bạch Vân mời về hợp tác, dựng bảng hiệu Mai Hoa – Út Hậu. Từ đó Út Hậu nổi danh qua các vở Nửa Mảnh Tim Côi và Mái Tóc Người Vợ Trẻ v.v… Các ký giả kịch trường hết lời khen ngợi giọng ca của Út Hậu và dự đoán Ông sẽ là người nối ngôi “vua vọng cổ” của Út Trà Ôn.
Hai năm sau, đoàn Mai Hoa – Út Hậu rã gánh, Út Hậu trở về đoàn Thống Nhứt của Út Trà Ôn. Nơi đây, Út Hậu gặp cô đào chánh Diệu Hiền. Hai người chung sống với nhau thành một cặp vợ chồng hạnh phúc, tiền bạc làm ra như nước nhưng không có cưới hỏi. và sanh được 5 người con, 2 trai, 3 gái. Ít lâu sau, Út Hậu bỏ đoàn Thống Nhứt của ông thầy Út Trà Ôn, gia nhập đoàn Kim Chung “Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt” của ông bầu Long.
Út Hậu được ông bầu Long trọng dụng, cho nắm đoàn cải lương Kim Chung 2, chuyên đi lưu diễn các tỉnh miền Trung, do đó anh và Diệu Hiền xa nhau. Theo lời kể của Diệu Hiền thì chú tiểu Hậu khi trở thành danh ca Út Hậu sống rất bay bướm, chạy theo nhiều bóng hồng và phụ rẩy vợ con.
Có lần, hai vợ chồng gây gổ nhau, mẹ của Út Hậu la: “Vợ gì mà không biết nhường nhịn chồng”. Út Hậu nói: “Ai cưới hỏi hồi nào mà kêu là vợ”. Chính quan niệm “không có cưới hỏi” đó đã đưa đến sự tan vỡ giữa Diệu Hiền và Út Hậu.
Sau năm 75, “Đại công ty” Kim Chung không còn nữa, gia đình ông bà bầu Long đã sang Pháp. Út Hậu lang thang ngoài Trung, lập đoàn Tân Đô – Út Hậu. Bị rã gánh, Ông gia nhập các đoàn Sông Hàn, Hoa Biển là những đoàn hát miền Trung nhưng đoàn nào lúc ấy cũng rất khó sống.
Năm 1978, Út Hậu được ngành văn hóa Quảng Nam- Đà Nẵng mời làm Phó đoàn cải lương Sông Hàn.
Ngày 10 tháng 12 năm 1999, Út Hậu bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người bên trái, phải nằm điều trị tại Bệnh viện Phú Yên.
Nhờ có cô con gái là Diệu Thanh ra Phú Yên đưa về điều trị và sống tại Viện Dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8, Sài Gòn, ông đã trút hơi thở cuối cùng ở Viện Dưỡng Lão Nghệ Sĩ vào ngày 21 tháng 3 năm 2001, hưởng thọ 61 tuổi.
Ngày Út Hậu sắp từ trần, nữ nghệ sĩ Diệu Hiền và các nghệ sĩ như Thanh Tuấn, Thanh Phú, Quốc Trầm, Hề Sa v.v… đều có đến thăm. Diệu Hiền uống một chung rượu rồi ca bài Tần Quỳnh Khóc Bạn để tiễn đưa người chồng vừa thương vừa hận của mình sang bên kia thế giới.