http://khatvongsong.uniad.com.vn, Hoàn cảnh gia đình bà Phan Thị Hồng Nga, Ấp 2, Xã Lộc Điền, Huyện Lộc Ninh, Tỉnh Bình Phước
Thông tin gia đình:
Nhân vật: Phan Thị Hồng Nga, sinh năm 1954 (62 tuổi)
Cha: Phan Lai, sinh năm 1917 (99 tuổi), già yếu
Chị: Phan Thị Xuân, sinh năm 1952 (64 tuổi), bị tiểu đường nặng
Con: Trần Thanh Hải, sinh năm 1980 (36 tuổi), bị mù, tâm thần
Con: Trần Thanh Tuấn, sinh năm 1989 (27 tuổi), bị mù, tâm thần
Con: Trần Thanh Hạnh, sinh năm 1994 (22 tuổi), bị mù, bại não
Hoàn cảnh gia đình:
Cô Phan Thị Hồng Nga quê gốc ở Quảng Ngãi. Cô theo cha mẹ vào Bình Phước từ những năm 50. Thời chiến tranh, cô đi bộ đội, rồi gặp gỡ và kết hôn. Sau khi đất nước thống nhất, cô công tác ngành Công An tại biên giới Campuchia, và lần lượt có 3 người con.
Nhưng đau xót là cả 3 người con của cô sinh ra đều bị mù và tâm thần. 2 người con lớn thì cứ ngơ ngơ, còn người con út thì bị bại não. Chưa hết, người chồng của cô, trong suốt thời gian chiến tranh gian khổ thì vẫn có thể ở được bên nhau, nhưng khi hòa bình, nhìn thấy các con đứa nào cũng tật nguyền, nhìn thấy cuộc sống khổ cực, lại bỏ cô mà đi lấy người khác. Và rồi, ông cũng qua đời, 3 năm về trước.
Từ ngày chồng bỏ đi, một mình cô cáng đáng cả gia đình bệnh tật. 3 đứa con, 1 người cha già yếu và cả người chị ruột bị tiểu đường nặng. Chị cô Nga là cô Phan Thị Xuân, cũng đã từng có gia đình, nhưng chồng chết, con thì cũng bị mù. Từ ngày người con ấy lập gia đình, thì cô Xuân lại bơ vơ trơ trọi, vì con cô cũng khó nghèo, tật nguyền, làm sao lo được cho cô. Nhìn người thân của mình như vậy, thì chịu sao đành, nên cô Nga cáng đáng luôn cả người chị bệnh tật mà không than van một lời
Cũng bởi gia đình toàn bệnh nhân như thế, nên cô Nga đã xin rời nghành để có thời gian chăm lo cho vẹn toàn đạo làm con, làm em và tình làm mẹ. Mỗi ngày, cô đi lượm ve chai, rồi ra chợ, coi ai có thuê mướn bốc vác gì, cô cũng làm, cốt là để có tiền thuốc thang cho gia đình. Nhưng bản thân cô, tuổi cũng đã ngoài 60, lại bị thoái hóa cột sống, nên 1 tuần đi làm đâu cũng chỉ được 3,4 ngày là cùng.
Cô cũng được hưởng chế độ mỗi tháng 1.200.000đ, nhưng với gia đình 6 người, 5 người bệnh nặng không thể lao động, thì số tiền ấy chẳng thấm vào đâu cả. Tuy khó khăn như vậy, nhưng cô không nợ ai đồng tiền nào. Có chăng chỉ là nợ cái nợ ân tình bà con hàng xóm giúp đỡ cho vài kg gạo trong lúc khó khăn ngặt nghèo. Khi hỏi vì sao nghèo, mấy đứa con đầu đều tật nguyền mà cô vẫn sinh thêm, thì cô nghẹn ngào trả lời rằng: “Đâu có biết mình bị di truyền, đứa nào sinh ra cũng bị vậy đâu. Cốt chỉ kiếm đứa con lành lặn, để có được chút niềm vui, hạnh phúc làm người, nhưng đứa nào cũng... Khi sinh đứa thứ 3, cũng bị tật nguyền...đi khám thì mới vỡ lẽ...”
Căn nhà cô đang ở là căn nhà tình thương, được xây dựng vào năm 2002. Nhưng giờ đã dột hết cả mà không có tiền sửa sang. Nhà cũng chẳng có nguồn nước sạch để sử dụng. Còn ước mơ của cô rất đơn giản, cô chỉ mong sao có được 1 con bò, để chăn nuôi mà tiếp tục lo cho gia đình, bởi sức cô yếu quá, việc nặng cô không thể cáng đáng nổi.
Rất mong nhận được sự trợ giúp của các nhà hảo tâm.