Tin tức: http://www.facebook.com/VOATiengViet, http://www.youtube.com/VOATiengVietVideo, http://www.voatiengviet.com. Nếu không vào được VOA, xin các bạn hãy vào http://vn3000.com để vượt tường lửa. “Bến Tre dừa ngọt sông dài. Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh”. Chúng tôi đã về xứ Mỏ Cày để tìm lại câu hát thuở nào.
Một trái dừa khô ở lò kẹo được người thợ lột bằng tay cùng mũi dao phay trong thời gian chừng 30 giây. Sau đó chuyển qua nhóm thợ cạy lấy cơm dừa. Còn gáo dừa thì bán cho mấy nơi sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
Bà Diễm, một công nhân lò kẹo dừa ở Mỏ Cày, Bến Tre cho biết:
“Khoảng là ngàn rưỡi trái dừa, cũng như là… khoảng ngàn rưỡi đó. Làm hổng tới một ngày. Cũng như khuya chừng 2 giờ, 2 giờ mấy mình làm tới… chút xíu nữa là chị rồi nè. Chừng tám giờ mấy, chín giờ là xong đó. Thì cũng có lúc kẹo đắt thì ngày nào cũng làm. Còn khi như mấy lúc này hiếm dừa như vầy nè, thì bắt đầu ngày mai chị nghỉ một tuần, rồi bắt đầu vô làm tiếp, vậy đó.
… (Thu nhập) Ba trăm ngàn, hai người. Tháng 10 trở lên thì suốt tháng. Còn cũng như cở chừng mà tháng giêng trở lại tháng tám, tháng chín này là nghỉ cũng tuần… coi như tháng làm được 20 ngày, nghỉ cũng cở 10 ngày”.
Cơm dừa mang vào ép lấy cốt phải là miếng cơm dừa khô trắng dày, có độ béo cao. Cách đó không xa là những chảo sên đường, và hệ thống trộn khuấy các nguyên liệu kẹo. Khu vực này có thể coi như là nhà xưởng với các loại máy móc vừa thủ công, vừa cơ giới trong sản xuất món đặc sản kẹo dừa nổi tiếng gần trăm năm qua ở xứ Bến Tre.
Bà Thu Hồng, phụ trách chảo trộn, còn gọi là hòa, kể:
“Cái này là khuấy kẹo cho nó tới. Nước hòa, hòa xong rồi mình múc chia ra từ phần rồi để lên mở hơi ra khuấy, canh. Canh gần tới bỏ sầu riêng vô… Mình chụm thì chụm hơi, nhưng mà máy quay thì điện. Mần như thí dụ như ở trển nhiều thì mình chậm lại. Ngày được… cái này quậy ăn hòa, cũng được hai chục hòa. Hòa vậy… ký thì ra ký ở trển, mình hổng rành nữa. Ký chắc cỡ… năm, sáu chục ký (kẹo) gì đó một hòa đó”.
Còn đây là nơi rang rồi xay đậu phộng cho nhuyễn ra để trộn vào nguyên liệu ở giai đoạn kẹo đã ra khuôn chờ cắt viên, tạo thêm hương vị bùi bùi cho sản phẩm. Để cho ra thành phẩm kẹo dừa, công sức đổ ra xem ra khá nhiều. Bà Diễm nói rằng dù quen tay, nhưng nhiều khi cũng thấm mệt:
“Cực thì chẳng hạn như là mình cạy vầy thì mình đẩy cũng hơi nặng, cũng hơi mệt vậy đó. Thì một buổi mình về mình nghỉ… Giờ bao tay vậy đó, nó hổng có bị đứt. Chứ hổng bao nhiều khi nó cũng trợt, nó cũng bị đứt”.
Còn với những chảo trộn nghi ngút khói thế này thì đúng như chia sẻ của bà Hồng, cái nóng lại điều ngại ngần nhất:
“Thấy cũng được chứ hổng có gì. Nhưng mà có cái nóng thì mình cẩn thận vậy thôi!”.
Từ nguồn nguyên liệu dừa rất phong phú của Bến Tre, cộng thêm tài khéo léo của người chế biến, người xứ dừa đã biết tăng thêm giá trị văn hóa, giá trị của lao động thủ công truyền thống vào viên kẹo, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân xứ dừa.