Tin tức: http://www.facebook.com/VOATiengViet, http://www.youtube.com/VOATiengVietVideo, http://www.voatiengviet.com. Nếu không vào được VOA, xin các bạn hãy vào http://vn3000.com để vượt tường lửa. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định hủy bỏ các màn trình diễn pháo hoa vào đêm giao thừa dương lịch sau khi chính phủ yêu cầu các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên Đán.
Theo truyền thông trong nước, 2 thành phố lớn nhất nước đều quyết định tuân theo chỉ thị của chính phủ để làm gương.
Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội Tô Văn Động được VNExpress trích lời nói hôm 23/12 rằng chi phí bắn pháo hoa ở Hà Nội là do nguồn xã hội hoá - tức do tư nhân trang trải - nhưng thủ đô vẫn quyết định hủy bỏ kế hoạch bắn pháo hoa để tiết kiệm 10 tỷ đồng.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố HCM Nguyễn Thị Thu hôm 22/12 cho biết thành phố đông dân nhất nước sẽ không tổ chức bắn pháo hoa như dự kiến vào dịp năm mới dương lịch 2017 để “dành kinh phí lo Tết cho người khó khăn, người nghèo và gia đình chính sách.
Nhà lãnh đạo thành phố HCM nói với báo Tuổi Trẻ hôm 22/12 rằng nguồn kinh phí cho màn trình diễn pháo hoa chủ yếu là do các tổ chức tư nhân đài thọ, chứ không trích từ ngân sách của thành phố. Nhưng bà Thu cho biết thành phố sẽ thực hiện theo chỉ thị của ban bí thư Trung ương và sẽ không bắn pháo hoa, kể cả trong dịp Tết.
Ban Bí Thư TW hôm 20/12 ban hành chỉ thị yêu cầu các cơ quan đảng, nhà nước đón Tết năm 2017 một cách tiết kiệm để giành tiền trợ giúp người nghèo và khó khăn. Động thái này của chính phủ đã được nhiều người dân hoan nghênh trên mạng xã hội.
Nhà hoạt động dân chủ Huỳnh Ngọc Chênh hôm 22/12 đã nói với An Tôn của VOA Việt Ngữ: “Năm này, trong bối cảnh bị Formosa rồi thêm 2, 3 cơn lũ dồn dập, thì trong bối cảnh đó có lẽ các ông ở trung ương cũng nghĩ ra được cái chuyện bắn pháo hoa là thất sách.”
Năm 2016 đã chứng kiến thảm họa cá chết trên 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế do ô nhiễm môi trường biển và những đợt lũ lụt do thiên tai và xả lũ từ các đập thủy điện gây ra. Nhiều cuộc biểu tình rầm rộ đã diễn ra vì người dân bất mãn về khoản tiền đền bù thiệt hại của công ty Formosa chỉ có 500 triệu đô la, và bức xúc về chính sách xả lũ của đập thủy điện làm người dân mất nhà cửa và ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Theo nhận xét của nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh với VOA Việt Ngữ, chỉ thị của TW được đưa ra do sức ép từ người dân và mạng xã hội. Giới lãnh đạo Đảng đã yêu cầu các địa phương “quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, biên giới, hải đảo, nhất là đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt ở miền Trung và hỗ trợ cho người bị thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển.”
Báo chí trong nước cũng đặt ra câu hỏi liệu các địa phương sẽ thực hiện thế nào chỉ thị này của chính phủ?
Theo tờ Tuổi Trẻ, chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cũng cho biết thành phố này sẽ tuân thủ chỉ thị này nhưng Đà Nẵng chưa quyết định sẽ hủy bỏ kế hoạch bắn pháo hoa. Một lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng cho Tuổi Trẻ biết thành phố chưa nhận được chỉ thị của trung ương và Tết 2017 sẽ trùng với ngày kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trở thành thành phố cấp 1 trực thuộc TW, do đó vẫn dự kiến bắn pháo hoa vào đêm giao thừa dương lịch sử dụng kinh phí 100% từ nguồn xã hội hóa.