Sinh ra trong cuộc đời, đa phần ai cũng mong muốn mình được giàu có, địa vị, hạnh phúc. Không những thế, ta còn cố gắng ra sức đêm ngày làm việc để dành dụm tiền của, tài sản cho con cháu, với hy vọng chúng có được đời sống sung túc, ấm no. Có những người con phát huy được sự nghiệp của cha mẹ, bên cạnh đó cũng có những thế hệ sau vì được nuông chiều nên phá tan gia sản.
Câu chuyện về gia đình Công tử Bạc Liêu là một ví dụ điển hình. Ông Trần Trinh Trạch là người thừa hưởng tài sản từ cha vợ, phát triển sự nghiệp ngày một hưng thịnh và trở thành một người địa chủ giàu có, thế lực, địa vị thời bấy giờ. Thế nhưng con trai ông là Trần Trinh Huy được mệnh danh là Công tử Bạc Liêu, một người ăn chơi trụy lạc, để rồi đến các đời sau con cháu nghèo khổ, lưu lạc, tha phương.
Câu chuyện về công tử Bạc Liêu là sự kết hợp giữa giai thoại và sự thật, nhưng đã để lại cho chúng ta nhiều bài học vô giá. Nếu ông Trạch là người bóc lộc sức lao động của người khác để làm giàu bất chính cho mình thì đó là bài học về nhân quả rất rõ ràng. Ngược lại, nếu ông làm ra của cải bằng mồ hôi nước mắt để lại cho con cháu, con cháu không biết tiếc của chỉ ăn chơi, hưởng thụ mà không làm thì núi cũng phải lở.
Hai vợ chồng ông Trạch sống cần kiệm, không dám ăn xài, nhưng rốt cuộc để lại tài sản cho con cháu khiến chúng hư hỏng sa đọa. Nếu như ông Trạch hay con ông biết sử dụng một phần tài sản làm từ thiện, tích phước thì khi nhắc đến cái tên “Công tử Bạc Liêu”, người đời sẽ hoan hỷ và tán thán. Thông qua câu chuyện, đó cũng là bài học thấm thía về sự vô thường mà đức Phật dạy. Từ đó chúng ta nên suy nghĩ về việc tích đức hay tích của cho con cháu.