Tin tức: http://www.facebook.com/VOATiengViet, http://www.youtube.com/VOATiengVietVideo, http://www.voatiengviet.com. Nếu không vào được VOA, xin các bạn hãy vào http://vn3000.com để vượt tường lửa. Nghiên cứu mới công bố hôm 22/2 cho thấy Việt Nam mua nhiều vũ khí hơn những nước láng giềng giàu có hơn như Hàn Quốc và Singapore trong bối cảnh Việt Nam đang chống lại những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ngày càng quyết liệt của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cuộc khảo sát thường niên mới nhất về xu hướng mua bán vũ khí trên toàn cầu do Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế ở Stockholm thực hiện cho thấy Việt Nam nhập khẩu vũ khí nhiều hàng thứ tám trên thế giới trong thời gian từ năm 2011 tới năm 2015, một bước nhảy vọt so với năm năm trước đó, khi Việt Nam xếp hạng thứ 43.
Viện nghiên cứu an ninh này ước lượng vũ khí mà Việt Nam nhập khẩu trong thời gian từ 2011-2015 chiếm khoảng 3% những thương vụ mua bán vũ khí trên toàn thế giới.
Đứng đầu danh sách này là Ấn Độ, nước nhập khẩu tới 14% vũ khí được buôn bán trên toàn cầu, tiếp theo đó là Ả Rập Saudi và Trung Quốc.
Trung Quốc cũng trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn, qua mặt những đối thủ Châu Âu để trở thành nước cung cấp vũ khí lớn thứ 3 trên thế giới. Trung Quốc cung cấp khoảng 6% tổng số vũ khí toàn cầu trong năm năm qua tăng từ 3,6% trong giai đoạn 2006-2010, dù vẫn còn kém xa những nước dẫn đầu thị trường là Mỹ (33%) và Nga (25%).
Báo Wall Street Journal dẫn lời nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Stockholm Siemon Wezeman nói rằng việc Việt Nam đầu tư mạnh vào lực lượng hải quân và không quân của mình là phản ứng rõ ràng đối với những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đặt mua sáu tàu ngầm hạng Kilo do Nga chế tạo trang bị phi đạn hành trình, 36 máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30MK2, sáu tàu khu trục hải quân tàng hình, sáu tàu tấn công nhanh, và gần đây nhất là một hệ thống phòng không tiên tiến của Israel.
Ông Wezeman nói việc sắm sửa những trang thiết bị này không phải là “quá mức” trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, mà "chỉ đủ để bảo đảm rằng nếu Trung Quốc lấn tới thì Việt Nam có thể có một số hành động đáp trả."
Carl Thayer, một chuyên gia về quốc phòng của Việt Nam tại Đại học New South Wales ở Úc, nhận định rằng Việt Nam có thể sẽ vẫn là nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu nếu Việt Nam tiếp tục tiến tới việc tạo nên một sự răn đe quân sự khả tín.
"Tất nhiên, Việt Nam có thể rất lo ngại; không có lý do để họ ngừng làm việc đó,'' ông Thayer được dẫn lời nói.