Loại hoa của đồng bưng này cũng góp sắc hương trong hành trình mưu sinh của người dân vùng lũ mỗi khi nước nổi tràn về. Những mầm súng chôn vùi trong đất khô, đợi nước phù sa, vươn dậy, cho đồng bưng một màu áo mới.
Bông súng là loại cây không gieo trồng vẫn xanh tốt, chúng mọc nhiều ở nơi ao hồ, đồng nước, vùng đất thấp miền Tây. Loại thủy mộc này có thể vươn dài theo nước lũ, nước dâng đến đâu thì cuốn lá và thân cọng theo đến đó. Có nơi, mỗi cọng bông súng dài đến 5 – 6m. Hoa có nhiều màu sắc khác nhau như: trắng, tím, hồng…nhưng mỗi màu có nét duyên riêng.
Mùa nổi về, bông súng đua nhau nở dọc những cánh đồng ngập nước. Đây cũng là mùa của những nông dân gắn bó cuộc đời mình trên đồng nước với nghề hái bông súng mưu sinh.
Mùa bông súng bắt đầu từ tháng 5 – 6 âm lịch và kéo dài đến khi lũ cạn. Khi ấy, đồng nước mênh mông không lặng buồn mà nhộn nhịp hơn, sôi động hơn, bởi sự góp mặt của những nhóm người mưu sinh bằng nghề câu, lưới, nhổ bông súng…Họ xem đồng nước là nhà và cư xử với nhau bằng nghĩa tình của những cư dân miền Tây chân chất.
Nước dâng nhanh, bông súng không kịp vươn dài, nụ chưa kịp ngoi lên mặt nước, người hái bông súng phải đi khắp đồng này sang đồng khác. Cuộc sống lênh đênh vậy mà vui, bởi họ không thấy mình đơn độc, thường chia sớt khó khăn, tương trợ nhau khi gặp chuyện không may nơi đồng vắng.
Mỗi gia đình là một chiếc ghe, lấy đồng nước làm nhà, lấy cá tôm làm bạn, có những gia đình đã gắn bó với nghề qua nhiều thế hệ. Họ dựng vợ gả chồng, trẻ con cũng lớn lên theo từng mùa nước lớn. Mùa nổi qua đi, nước có thể cạn, bông súng trên đồng cũng hết trổ bông, nhưng nghĩa tình của những cư dân miền Tây dù đi đâu vẫn vậy.
Mùa nước nổi và hình ảnh những đồng bông súng nở sẽ là ký ức đẹp của những ai đi qua vùng đất này. Và trong cuộc mưu sinh đầy vất vả, có những tấm lòng sống đẹp và đơn giản như chính loài hoa súng, bình dị với đất, với quê.