Miệt Cà Mau, Bạc Liêu có cách bắt hết cá dưới đìa mà không cần phải tát cạn nước, gọi là chụp đìa.Nghe cái tên cách bắt cá này nhiều người không thể hình dung ra như thế nào nhưng khi được chứng kiến rồi mới thấy sự độc đáo của nó. Chỉ cần vài người trai tráng khỏe mạnh trong xóm là có thể chụp đìa, bắt hết tôm cá mà không tốn sức tát cạn nước đìa, vừa không phải lội sình mò cá. Theo cách gọi của người dân Nam Bộ, đìa là một cái ao được đào để lấy đất đắp lên vườn tược hay đắp các bờ bao quanh khu đất của mình. Độ sâu của đìa từ 2 đến 3 mét, tùy thuộc vào diện tích đất lớn hay nhỏ có đìa dài, rộng hơn 50 mét.
Chụp đìa rất đơn giản, sau khi dọn sạch cỏ mặt nước trong đìa rồi dùng một tấm lưới rộng hơn miệng đìa bao phủ toàn bộ mặt nước, sau đó nhấn cho lưới chìm xuống, dùng ghim bằng cây tre nhỏ hay cây sậy, bẻ gập đôi lại và ghim viền lưới vào thành đìa, cho mặt lưới ngập dưới mặt nước khoảng 0,5m. Sau khi ghim viền lưới vào thành đìa xong, toàn bộ cá nằm dưới mặt lưới. Do đặc tính loài cá sống dưới nước nhưng mấy phút phải ngoi lên lấy không khí, khi bị lưới chụp lên mặt nước, cá thấy ngộp và sẽ men vào thành đìa, tìm chỗ hở để chui lên lấy oxy. Thời gian này người dân ngồi trên bờ hút thuốc, uống trà, trò chuyện, chừng hơn 1 giờ sau cá chui hết lên mặt lưới phía trên, người ta bắt đầu ghim lưới lần thứ hai, dày hơn, không cho cá chui ngược trở xuống. Công đoạn tiếp theo là kéo hai viền lưới lên ghim lại trên bờ đìa, rồi kéo lưới gom cá về một đầu đìa dùng vợt để xúc cá lên.
Chụp đìa bắt được toàn cá sống, nhiều đìa mỗi lần chụp có hàng tấn cá nên người dân phải neo cá lại trong lưới để chờ thương lái đến thu mua hoặc thuê bà con trong xóm làm cá. Số cá đem bán, số làm khô, số làm mắm để dành