Những người có thâm niên theo nghề đặt trúm truyền thống ở U Minh như ông Năm Thiệu ở Vồ Dơi, ông Bảy Thiện ở Khánh Lâm... không ai rõ nghề đặt trúm có từ khi nào. Họ chỉ biết rằng, khi sinh ra thì ông cha mình đã theo nghề và truyền lại. Nhiều người mê nghề vì nó gợi nhắc những giá trị ứng xử sáng tạo, hiểu biết của tiền nhân với thiên nhiên và cộng đồng vẫn còn giá trị sử dụng.Mỗi năm, khi những cánh rừng tràm bạt ngàn ở U Minh Hạ được tắm mát bởi những cơn mưa đầu mùa, chân rừng sũng nước, cũng là lúc nghề đặt trúm bắt đầu.
Theo lưu truyền, ban đầu trúm được làm bằng lá dừa nước cuộn lại thành ống, trải qua thời gian chúng được thay thế bằng ống tre, ống nhựa. Nhưng người bắt lươn truyền thống thích sử dụng ống trúm bằng tre tự tay mình làm.Mỗi ống trúm thường có chiều dài hơn một mét. Tre làm trúm cần thẳng, suôn, to, nhưng mỏng vỏ nhằm chứa nhiều lươn và nhẹ nhàng khi khuân vác.
Khó nhất trong kỹ thuật làm ống trúm là bện hom. Hom bện không khéo, không chặt, không thông, lươn sẽ không vào, hoặc vào rồi sẽ chui ra sau khi ăn mồi.
Dây bện hom được nhiều người đặt lươn ở rừng U Minh hạ thích nhất là dây bồng bông vì chắc, bền và có sẵn tại chỗ.
Theo kinh nghiệm dân gian thì “cá chết vì lưới, lươn chết vì mồi”. Nguyên liệu làm mồi nhử lươn truyền thống được sử dụng phổ biến là ốc, cua, cá sặc, rô nhỏ được băm nhuyễn, xào với xác dừa khô cho thơm, cho thêm dầu cá hoặc mỡ trâu. Nhưng việc phối hợp chúng một cách hợp lý, hợp khẩu vị loài vật háu ăn này cũng như theo đúng mùa vụ, đặc trưng vùng đất đòi hỏi kinh nghiệm và sáng tạo.
Ví như ở những vùng đất bị nhiễm phèn, có người còn sử dụng thêm lá chanh băm nhỏ trộn vào để tinh dầu vạch đường dẫn mùi mồi lan tỏa xa trong nước cho lươn tìm đến. Rồi muốn cho lươn hội vào trúm, thì pha thêm tỏi vào mồi, lươn ăn bị cay, chép miệng như tiếng mời gọi đồng loại đến dùng đại tiệc.
Theo những người đặt trúm kinh nghiệm vùng rừng U Minh Hạ đặt trúm thấy đơn giản, nhưng đòi hỏi người theo nghề phải có nhiều hiểu biết về thiên nhiên. Ngư trường của lươn thì mênh mông, lươn lại là thứ sống trong đất không nhìn thấy được. Vì vậy, người thợ đặt trúm giỏi giống như nhà ngoại cảm, trên thông “thiên văn”, dưới tường “địa lý”.
Kinh nghiệm dân gian, những chỗ cỏ năn, cỏ lác vàng úa là nơi nước sâu, cỏ lác không theo kịp nước nên lá úa vàng, các loài cá nhỏ tìm đến ăn bả do năn hoại ra, còn lươn thì đến ăn cá. Chỗ có lươn nhiều nữa là những họng đìa đầy bưng lác, cá tụ tập và lươn đến tìm mồi.
Ngoài yếu tố “nhìn đất”, người thợ còn phải biết “trông trời”. Những hôm dự báo trời có mưa to, trúm phải đặt ở các gò cao, vì lươn có thói quen đến vùng đất mới tìm mồi. Hướng gió cũng quyết định năng suất thu hoạch. Phải đặt miệng trúm xuôi theo chiều gió để hương thơm của gói mồi trôi rộng ra mà khuyến dụ lươn chui vào.
Muốn bắt lươn lớn thì miệng trúm phải đặt nằm sâu dưới mặt nước. Vì lươn nhỏ thường tìm mồi bên trên, còn lươn to thì ăn ở tầng sâu.