Menu Sliding loi bai hat Search

Video Cuộc đoàn tụ đầy nước mắt của một người con lai (VOA)

Ca sỹ: VOA Tiếng Việt

428,585 Lượt xem

Mô Tả

Tin tức: http://www.facebook.com/VOATiengViet, http://www.youtube.com/VOATiengVietVideo, http://www.voatiengviet.com. Nếu không vào được VOA, xin các bạn hãy vào http://vn3000.com để vượt tường lửa.


Sau gần nửa thế kỉ vắng người mẹ sinh ra mình và sống rày đây mai đó cùng người mẹ nuôi, sau gần nửa đời người đi tìm cha và khi biết cha là ai thì được nhận một tấm hình và một hủ tro… Lần này về Việt Nam, ghé thăm mẹ nuôi xong, anh Tâm Nguyễn cùng người chị cùng mẹ khác cha vừa nhận ra nhau sau một cuộc thử DNA đã quyết định đi thẳng về thị xã Sông Cầu, Phú Yên để thăm người mẹ ruột. Cùng đi với anh Tâm Nguyễn có người bác ruột, ông Chris Murray, con gái anh Tâm Nguyễn, người chị và hai người cháu gọi anh bằng cậu ruột. Phút giây gặp lại của hai mẹ con sau gần nửa thế kỉ xa cách chứa đầy nước mắt.


Bà Nguyễn Thị Gặp, mẹ ruột anh Nguyễn Ngọc Tâm, chia sẻ với VOA: “Lúc đó đưa cho bà Tư (má nuôi của anh Tâm Nguyễn) sau khi đi Nha Trang thì đi vào đèo Cả thì bị lật xe tuột hai cái sườn, nằm viện ở Nha Trang 24 ngày về thì bà Tư dọn đi rồi, chỉ nhớ vậy thôi chứ không nhớ, hỏi hàng xóm thì họ bảo là bà Tư dọn đi hơn 10 ngày rồi.”


Anh Nguyễn Ngọc Tâm, chia sẻ với VOA: “Thật sự thì từ khi có trí khôn thì đã muốn tìm mẹ rồi, tìm ra ai là mẹ mình để biết mình sinh ở đâu, lớn lên thế nào, người mẹ mình như thế nào. Thực sự mình từng đi về Bình Định, đi Tuy Hòa để tìm má, thì chỉ biết mình sinh ở đó chứ không biết má ở đâu. Rồi cách đây đúng 1 năm thì khi đó mình có một bà chị lai cùng mẹ khác cha, chị làm DNA ở Mỹ, sau đó tôi nhận được một email từ đứa cháu, mà qua email mình nghĩ là chị hai là con của ông nội, trước đây ông đóng ở Nha Trang, chứ không nghĩ là tìm được mẹ. Nhưng sau đó qua DNA thì biết chị là bên mẹ chứ không phải bên cha, lúc đó câu đầu tiên muốn hỏi là mẹ còn sống không.”


Câu chuyện con lai sau chiến tranh Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại vẫn là câu chuyện chứa nhiều nước mắt và trắc ẩn, có nhiều người con sau khi thử DNA, biết được cha mình là ai nhưng người cha lại không chịu nhận con vì những lý do riêng. Trường hợp chị Nguyễn Thị Su là một ví dụ. Hiểu được nỗi khổ tâm chung của những đứa con mang hai dòng máu, gia đình chị Su đã tạo mọi điều kiện để đồng hành cùng Tâm Nguyễn, để Tâm Nguyễn được gặp mẹ sớm nhất.


Anh Tâm Nguyễn, chia sẻ với VOA: “ Khi bỏ rơi lúc mới sinh ra hay bỏ khi lớn hơn thì chắc có lẽ cũng không có gì khác biệt. Câu chuyện mình nghe như vậy thì chắc có lẽ là má nuôi cũng không muốn mất mình, thì điều đó cũng hiểu thôi, không có gì hết. Cái mình mong muốn nhất là tìm được mẹ lúc mẹ còn sống, cảm ơn má đã sinh ra mình và cảm ơn má Tư đã nuôi dưỡng con, cũng cảm ơn bên ngoại, ngày hôm nay con có thể về lại nơi đây.”


Ông Chris Murray, bác ruột của anh Tâm Nguyễn, chia sẻ với VOA: “Thật là tuyệt vời khi có thể chứng kiến cảnh cháu mình gặp lại má ruột. Đây là một điều rất hân hạnh. Dù sao thì má cháu cũng mang lại một mối tình cho ba của cháu. Thật sự là những đứa cháu, con của em tôi đều là cháu lai hết, đứa nào cũng dễ thương và đẹp hết, nhất là cháu Tâm.”


Những cái ôm, những giọt nước mắt, những lời nói ra không trọn vẹn, những gì cố gắng nhớ thì lại quên, cố gắng quên thì lại nhớ… Dường như chiến tranh và thời cuộc đã để lại một vết thương chẳng bao giờ nguôi ngoai trong tình mẹ con, chị em và tình quê hương, đất nước của nhưng đứa con lai.


Chị Nguyễn Thị Su, chị ruột cùng mẹ khác cha với anh Nguyễn Ngọc Tâm, chia sẻ với VOA: “Hoàn cảnh của những đứa con lai trước đây nó thăng trầm lắm!”


Anh Tâm Nguyễn, chia sẻ với VOA: “Khi tìm được cha thì chỉ được ôm tấm hình, khi tìm được mẹ thì được nghe má nói, được ôm má, rất may mắn…”


Sau gần nửa thế kỉ, nhiều đứa trẻ được sinh ra đời, nhiều người trở thành ông, thành bà trong gia đình và cũng có nhiều người mặc dù đã làm cha, làm mẹ nhưng ký ức của một đứa trẻ bé bỏng bị thiếu vắng bàn tay mẹ vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai. Trong đó, sự giằng co giữa một đứa trẻ bị hất hủi và một đứa con yêu thương cha mẹ không điều kiện là nỗi ám ảnh thường trực. Và cuối cùng, lòng yêu thương, tính vị tha đã giúp họ chiến thắng. Cuộc đoàn viên sau nhiều thập kỉ dài đăng đẵng tìm cha, tìm mẹ của anh Tâm Nguyễn, theo anh, vấn đề không chỉ dừng ở một cuộc đoàn viên mà nó cho thấy con người có quyền hi vọng khi bạn đủ yêu thương. Và hãy cứ hi vọng, hãy cứ tiếp tục đi tìm, bởi cha mẹ chúng ta đang ở đâu đó trong cõi đời này!

Video cùng người đăng