Tin tức: http://www.facebook.com/VOATiengViet, http://www.youtube.com/VOATiengVietVideo, http://www.voatiengviet.com. Nếu không vào được VOA, xin các bạn hãy vào http://vn3000.com để vượt tường lửa. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius hôm 26/7 đã gặp Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đai tướng Ngô Xuân Lịch, để bàn về vấn đề hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ. Cuộc họp diễn ra hai ngày sau khi truyền thông quốc tế loan tin Việt Nam đã yêu cầu tập đoàn Repsol ngưng khoan thăm dò tại Biển Đông vì bị Trung Quốc dọa tấn công.
Báo Quân đội Nhân dân đưa tin đại sứ Osius và Đại tướng Lịch bàn về những biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ theo tinh thần Bản ghi nhớ về Thúc đẩy Hợp tác Quốc phòng song phương ký năm 2011, và Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ quốc phòng năm 2015.
Ngày 27/7, Đại sứ Osius viết trên Facebook: “Hôm qua, tôi đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng, Tướng Ngô Xuân Lịch, để trao đổi về cách thức chúng ta có thể tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng Hoa Kỳ-Việt Nam và mở rộng hợp tác về cứu trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa, di sản chiến tranh, an ninh hàng hải, và các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.”
Báo chí Việt Nam và phía tòa đại sứ Hoa Kỳ không đề cập đến cuộc họp ngày 26/7 có bàn đến việc Việt Nam ngừng hoạt động thăm dò khai thác dầu khí tại lô 136-03 của công ty Talisman-Vietnam, một công ty con của Repsol. Công ty này đã bắt đầu khoan tại địa điểm tranh chấp vào giữa tháng 6 trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, một nhà báo trích một nguồn tin thân cận với cuộc họp cho biết Bộ Chính trị Việt Nam đã họp khẩn ngay khi Trung Quốc cho tàu thăm dò HYSY 760 tiếp cận khu vực mà công ty Repsol đang thực hiện dự án, và trong cuộc họp ngày 26/7, phía Việt Nam đã thông báo tình hình cho đại sứ Mỹ Osius.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà báo độc lập Quang Hữu Minh nói với VOA:
“Việt Nam muốn Mỹ phản đối việc Trung Quốc áp đặt đường lưỡi bò trên Biển Đông, cụ thể là phản đối Trung Quốc đe dọa Việt Nam thực thi quyền khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý. Việc khai thác dầu của công ty Repsol nằm trong vùng EEZ của Việt Nam. Nhưng phía Mỹ im lặng.”
Nhà báo Hữu Minh cho rằng đại sứ Mỹ có một thông điệp muốn gửi cho phía Việt Nam:
“Việc ông đại sứ Osius gặp đại tướng Ngô Xuân Lịch là Mỹ muốn thông báo với Bộ Quốc phòng Việt Nam rằng an ninh hàng hải vẫn là tiêu chí mà Mỹ đặt lên hàng đầu. Nếu như Việt Nam và Trung Quốc có va chạm thì Mỹ sẽ có động thái để hai bên giảm thiểu căng thẳng.”
Ông Hữu Minh cho rằng chính sách dựa lưng vào Trung Quốc về chính trị thực sự đã làm cho đảng cộng sản Việt Nam lúng túng trong vấn đề bảo vệ lãnh thổ, và chính sách không liên kết quân sự của Việt Nam với các nước đối lập với Trung Quốc, đã đẩy Việt Nam vào thế “đơn độc.”
Theo nhà báo này thì tất cả những điều đó đã “làm cho đảng lúng túng trong truyền thông, phản ứng ngoại giao và tìm kiếm đồng minh hỗ trợ khi cần. Sự lúng túng đó phản ánh rất rõ qua vụ Repsol hôm nay.”
Cho đến hôm 28/7 Việt Nam mới nói rằng Việt Nam có quyền khoan dầu ở Biển Đông, các nước khác nên tôn trọng quyền hợp pháp của Việt Nam.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói trong một thông cáo gửi cho hãng tin Reuters hôm 28/7: "Các hoạt động liên quan đến dầu khí của Việt Nam diễn ra trên biển hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập theo luật pháp quốc tế."
Trước đó, nguồn tin từ các chuyên gia về biển Đông, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện quốc phòng Úc và học giả Bill Hayton thuộc Viện nghiên cứu Chatham House, cho VOA biết Trung Quốc đã đưa ra lời đe dọa dùng vũ lực, nếu Việt Nam không ngưng khai thác, thông qua đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh. Nhà báo, học giả Bill Hayton nói với VOA: “Sau khi Bộ Chính trị (của Đảng Cộng Sản Việt Nam) xem xét yêu cầu, họ đã quyết định ngừng khoan dầu.”