Anh Nguyễn Văn Khoa (39 tuổi - ngụ ấp Hòa Phong, xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, Vĩnh Long) mưu sinh trên sông nước bằng một nghề mang lại hiệu quả khá cao: “Vợt” cá mè vinh (MV) bằng bông lúa chín.
Anh Khoa kể: “Trước đây tôi sống chủ yếu bằng nghề làm hồ, bốc vác. Đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Từ khi có được cái nghề… đặc biệt này sống... khỏe hơn nhiều!”. Năm 2014, trong một lần đi thăm người thân - cũng ở Vĩnh Long - anh phát hiện “kỹ thuật” bắt cá MV hiệu quả, không cần đầu tư vốn, không mất nhiều thời gian. Trở về nhà, sau hơn một tháng thử nghiệm, anh bắt đầu “vợt” cá MV với mồi bằng bông lúa chín, kết quả mang lại khá bất ngờ. Hiện mỗi ngày bình quân anh Khoa đánh bắt được từ 12 - 20kg cá MV sau khoảng 3 giờ thả mồi trên rạch. Với giá bán 28.000 - 30.000 đồng/kg, mỗi ngày anh có thu nhập 300.000 - 400.000 đồng. Kiểu đánh bắt cá dân gian này, chỉ cần có một chiếc xuồng nhỏ, một cái vợt là “hành nghề” được.
Theo anh Khoa, khâu quan trọng nhất là xác định được đoạn sông rạch nào có nhiều cá để đánh bắt; rồi phải biết thả mồi đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời gian thì mới thành công… Mỗi ngày, tùy theo con nước lớn - ròng, anh Khoa vớt lục bình tươi, cột chặt thành từng bó để tạo bóng râm. Phía dưới bó lục bình, anh cột những chùm bông lúa chín căng hạt để làm mồi (mỗi bó lục bình cách nhau 8 - 10m, mỗi lần thả từ 20 - 25 bó). Thời điểm thả xuống thường là lúc con nước lớn sắp đứng và vớt cá lên bằng những chiếc vợt lưới (đường kính từ 1,5 - 1,7m) khi nước ròng. Ông Nguyễn Hoàng Ba - ngụ ấp Hòa Phong - cho biết: “Bà con ở ấp này rất phục tài “sát” cá MV của anh Khoa. Ai muốn học nghề anh Khoa “chỉ đường” hết…”.
Ngoài bán cá MV tại chỗ, anh Khoa còn làm mắm vì theo anh cá MV tuy nhiều xương nhưng khi làm mắm hương vị thơm ngon, xương cá phân hủy nhanh. Cứ 10kg cá tươi sẽ cho “ra lò” 6 ký mắm sau thời gian ủ 12 tháng. Hiện ngoài việc chăm bón ruộng - vườn, thời gian còn lại anh Khoa đi “vợt” cá để tăng thêm thu nhập…