Xuân đất khách, một tuyệt phẩm của Viễn Châu
Nếu phải xếp hạng trong gia tài hơn 2000 bài vọng cổ của Viễn Châu, thì Xuân đất khách quả thật phải được lọt vào « tốp ten ». Còn nếu nói về những bài vọng cổ viết về tâm sự người xa xứ, thì Xuân đất khách của Viễn Châu phải được xếp số 1, về tính văn học và tính súc tích của lời ca, về sức hấp dẫn đối với người nghe và về sức sống của nó trong thời đại.
Út Bạch Lan được xem là người thể hiện thành công nhất bài Xuân đất khách. Út Bạch Lan được mệnh danh là “Nữ vương sầu nữ”, và đến giờ này chưa ai thay thế cái vương hiệu đó của cô. Vào những thập niên thập niên 1950-1960, Út Bạch Lan và Thanh Hương hợp cùng với đàn anh Út Trà Ôn đã trở thành những giọng ca vàng ăn khách nhất trên đĩa hát. Út Bạch Lan là người có số lượng vai diễn và bài ca đóng cặp với Út Trà Ôn trên các hãng đĩa nhiều nhất của thế kỷ trước.
Nhìn sang phía nam nghệ sĩ, ta thấy cũng có không ít người thể hiện bài Xuân đất khách. Thế nhưng, công tâm mà nói thì đến giờ phút này, người thể hiện thành công nhất có lẽ là cố nghệ sĩ Hà Bửu Tân. Đây là một nghệ sĩ khá đặt biệt của sân khấu cải lương, đặc biệt không chỉ vì tài ca vọng cổ mà còn vì số phận “tài hoa yểu mệnh” của anh.
Khán giả ngày nay ít ai còn nhớ đến Hà Bửu Tân bởi anh đã giả biệt thế gian vào những năm 1970, ở cái tuổi ngoài hai mươi, vào lúc mà giọng ca và tài năng của anh đang hồi sung mãn nhất. Làn hơi của Hà Bửu Tân có nội lực rất mạnh, đài từ rõ ràng, ca đúng với chuẩn mực «tròn vành rõ chữ ». Anh ca không lạng bẻ mà ca rất tự nhiên, rất nhẹ nhàng, khiến người nghe không cảm thấy anh ráng hơi bởi thế cũng cảm thấy nhẹ nhàng.
Đặc biệt hơn hết là cách nhã chữ rất riêng của anh, một cách nhã chữ nói chung là « rất Hà Bửu Tân”. Nếu bên nữ nghệ sĩ, Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga được xem là người có lối nhã chữ sang trọng, thì bên phía nam nghệ sĩ ta thấy có Hà Bửu Tân. Làn giọng của anh cũng rất sang trọng diễm tình. Vì thế, có thể nói, Hà Bửu Tân là nam nghệ sĩ cải lương có giọng ca và lối ca sang trọng và diễm tình “xưa nay hiếm”.
Nói về kỹ thuật ca, Hà Bửu Tân được dân trong nghề cho là có bộ nhịp rất vững. Bởi thế anh mặc sức tung hoành trong bài ca với một sự điêu luyện thượng thừa. Ở tuổi của Hà Bửu Tân mà có được bộ nhịp thượng thừa như vậy thì cũng quả thật là “Xưa nay hiếm”. Đặc biệt là lối sắp chữ của anh, anh sắp chữ trong lòng câu, và xuống song lang « như để », nghe mà sướng lỗ tai.
Nhịp nhàng điêu luyện, đài từ rõ ràng, giọng ca diễm tình và sang trọng… tất cả đã tạo cho sân khấu cải lương một Hà Bửu Tân có một không hai, một Hà Bửu Tân mà người nghe chỉ nghe một lần cũng đã thấy như là « đã mê tự lâu rồi », một giọng ca và một lối ca mang đến cho người nghe cảm giác nhẹ nhàng, êm dịu, cho người nghe được thưởng thức nghệ thuật nhảy múa trên dây đàn của người nghệ sĩ.
Nói về độ mùi, giọng ca Hà Bửu Tân có độ thẩm thấu cao, thể hiện chất mùi của bài hát rất tuyệt, khiến người nghe bị buồn lây hồi nào mà không biết. Tuy nhiên, giọng ca Hà Bửu Tân đầy nam tính và đầy nội lực, trầm buồn nhưng không tạo cảm giác bi lụy. Đó là một lợi thế để anh tạo dấu ấn riêng trong bài Xuân đất khách. Nếu như nghe Út Bạch Lan ca Xuân đất khách mà người nghe phải sa nước mắt và muốn mọc ngay đôi cánh để bay về với quê hương, thì khi nghe Hà Bửu Tân ca bài này ta sẽ cảm thấy có một nỗi buồn man mác đang len lỏi vào tâm trí, nó không đến độ khiến cho nước mắt phải sa, nhưng đủ để nỗi buồn kia thấm khắp cùng thân thể, giúp tâm trí mọc thêm đôi cánh để bay vào thế giới suy tư và hồi tưởng. Đó là dấu ấn “vô tiền khoán hậu” của Hà Bửu Tân trong bài Xuân đất khách. Nguồn: http://vi.rfi.fr/van-hoa/20130223-ut-bach-lan-ha-buu-tan-bat-tu-cung-bai-xuan-dat-khach
Xem thêm: