Chuyện chưa kể về Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
https://youtu.be/CSA38-8t_E0
Hơn 10 tuổi, mẹ và chị gái hy sinh, tuổi thơ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nỗi ám ảnh với đói nghèo và chết chóc bởi bom đạn của kẻ thù. Hoàn cảnh ấy đã khiến cậu út Nguyễn Xuân Phúc từ nhỏ đã có ý chí mãnh liệt, tự lập vươn lên. Nhìn lại những vị trí công tác mà ông đã trải qua, đều có những dấu ấn khó quên...
“Cậu bé thép”
Cả buổi sáng hôm qua, người dân xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam râm ran chuyện xã mình có người được Quốc hội bầu làm Thủ tướng. “Thật vinh dự cho dòng họ, làng xã”, Trưởng tộc Nguyễn Văn - ông
Nguyễn Văn Thành (SN 1954), anh họ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ. Theo lời ông Thành, đặc thù xã Quế Phú nằm trong vùng địch chiếm đóng từ Vĩ tuyến 17 (Quảng Trị) trở vào, nên thời đó cuộc sống người dân rất khó khăn, cơ cực. Thủ tướng là con út trong gia đình 4 chị em, cả nhà đều tham gia cách mạng và là gia đình chịu nhiều hi sinh, mất mát.
Ông Nguyễn Quốc Dũng (SN 1947, nguyên Viện trưởng Viện KSND Đà Nẵng), anh trai của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tâm sự: “Ngày chú út Phúc mới sinh, bố tôi (ông Nguyễn Hiền, sinh năm 1918) đã phải ra Bắc tập kết. Ở nhà, mẹ và chị đầu tham gia cách mạng. Tôi thay cha, vừa làm công tác an ninh ở công an huyện, vừa lo chăm sóc, đùm bọc em gái kế Nguyễn Thị Thuyền (SN 1952) và chú út Phúc. Quê hương đầy tiếng bom đạn kẻ thù. Cảnh thiếu đói triền miên, phải lót dạ qua ngày bằng khoai sắn…”.
“Vất vả nhưng chú út rất ham học, sáng dạ, chăm ngoan” ông Dũng kể- Chừng 10 tuổi, trong lúc đi học về, chú út chạy vào giao thông hào tránh bom địch, bị quả rốc-két nổ trúng hai người đi phía trước chỉ cách chừng sải tay. Chú út thoát chết trong gang tấc”. Theo ông Dũng, căn nhà nhỏ của gia đình ít nhất 3 lần bị địch đốt phá. Cả nhà liên tục đón nhận tang thương. Tháng 4/1965, chị đầu đi du kích bị địch bắn chết. Chưa đầy năm sau, mẹ anh dũng hi sinh trước những đòn tra khảo của kẻ thù. Bố tập kết không thể về nhà chịu tang.
Ông Dũng một mình cáng đáng, vội đưa em gái và chú út lên núi lánh nạn trước những đợt truy sát gắt gao của địch. Hơn năm rưỡi, ông Dũng cuốc bộ 70-80km, gùi sắn gạo lên gửi người dân nuôi các em ăn học trước khi làm thủ tục chuyển út Phúc ra Bắc học tập (năm 1967). “Tận mắt chứng kiến biết bao mất mát hi sinh, tinh thần chú út rất rắn rỏi. Ngày đi ra Bắc, chú còn bé nhưng như một “cậu bé thép” đầy quyết tâm. Chú hứa học hành thật tốt để báo hiếu mẹ, chị, xây dựng, phát triển quê hương”, ông Dũng nói.
Sau đó, cậu học trò Nguyễn Xuân Phúc cùng hàng nghìn học sinh miền Nam ra Bắc học tập. Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, chàng sinh viên trẻ về nhận công tác đầu tiên tại BQL Kinh tế Quảng Nam - Đà Nẵng, trước khi giữ nhiều trọng trách ở tỉnh nhà. Ông Nguyễn Thượng (cháu gọi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là chú họ) bộc bạch: “Chú Phúc là tấm gương cho các thế hệ con cháu về ý chí, vượt lên mọi hoàn cảnh khắc nghiệt, ham học và cống hiến”.