Mỹ Tho đại phố xưa tọa lạc tại làng Mỹ Chánh, nằm dọc theo nhánh bên trái của rạch Mỹ Tho, bắt đầu từ bến Tắm Ngựa, chỗ tiếp giáp giữa rạch Mỹ Tho với sông Tiền, chạy dài theo đường Nguyễn Huỳnh Đức bây giờ đến cầu Vĩ, Gò Cát (xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho ngày nay).
Nhờ nằm ở vị trí ngã ba sông, Mỹ Tho đại phố xưa thu hút nhiều ghe thuyền trong vùng đem sản vật tới mua bán tấp nập và từ thế kỷ 18 nơi đây trở thành thương cảng có buôn bán với nước ngoài như: Trung Hoa, Nhật Bản, Chân Lạp, Xiêm…
Cũng nhờ vậy mà kinh tế vùng Mỹ Tho phát triển nhanh chóng. Và từ thế kỷ 17, Mỹ Tho đã trở thành một trong ba trung tâm thương mại lớn nhất Nam Bộ lúc bấy giờ, bao gồm cù lao Phố Biên Hòa và Hà Tiên.
Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, tuy gọi là đại phố nhưng Mỹ Tho hồi đó chỉ chừng hơn trăm căn phố vựa hàng nằm dọc theo hai con đường nay là Nguyễn An Ninh và Nguyễn Huỳnh Đức, ngó mặt xuống vàm Mỹ Tho.
Dãy phố phía đông nằm trên địa phận thôn Mỹ Chánh rất sung túc, lưng dựa vào Gò Cát. Đến năm 1792, chúa Nguyễn cho xây thành Trấn Định tại Gò Cát, bấy giờ các thương nhân cũng xây Toàn Bửu hội quán làm nơi giao dịch.
Theo Gia Định thành thông chí, tại Gò Cát còn có nhiều nhà nấu rượu. Rượu Gò Cát nổi tiếng ngon nên được đem ra bán tận kinh đô.
Vào thời đó, Mỹ Tho đại phố có ngôi chợ ngó ra Vàm Cầu Kè, giờ gọi là chợ Cũ. Đến năm 1826, khi nhà Nguyễn xây thành Định Tường thì ông Dương Văn Tuyên đã xây thêm một ngôi chợ mới nên có tên là chợ Tân Thành (địa điểm chợ Mỹ Tho ngày nay).