“Bài hát có ngọn núi quê anh xa vời, bài hát có đồng lúa mênh mang câu hò. Bài hát có người lính đã hy sinh âm thầm…” vừa lãng mạn lại vừa hiện thực biết bao khi “Cho hôm nay những vết chân son vui quanh dấu chân tròn” và “Bài hát có ngọn gió cuốn bay theo dấu chân tròn, để lại một bài ca trên cát trắng bao la”.
Trần Tiến là một nhạc sĩ luôn tìm tòi ‘tứ” văn học cho những ca khúc cuả mình. Hình tượng “vết chân tròn trên cát” đồng thời được đặt tên cho bài hát, đã có sức biểu cảm lớn, giàu sức thuyết phục. Người thương binh cụt chân trở về làng trở thành một thầy giáo. Anh phải chống nạng đi trên quãng đường xa đầy cát trắng để đến trường. Và chiếc nạng kia - chiếc chân thứ hai của anh - đã để lại những vết tròn trên cát.
Tác giả không nói đó là vết nạng mà nói “vết chân tròn”. Cuộc sống sau chiến tranh cuả người thầy giáo thương binh này hẳn vô cùng khó khăn, trở ngại, nhưng chất lãng mạn vốn có của người lính cụ Hồ luôn chiến đấu bởi lý tưởng nhân văn cao cả đã khiến anh vượt lên tất cả để luôn vui tươi hoà nhập với cuộc sống hồn nhiên của các em học sinh. Nhạc sĩ đã khai thác tâm tư sâu kín cuả người thầy giáo dạy hát cho học trò qua bài hát này.
Đã rất lâu rồi Tùng Dương mới có dịp lên đồng trong tác phẩm của Trần Tiến. Không ma mị, kỳ ảo như trong dự án world music của mình, Dương hát giản dị nhưng phóng khoáng, những nốt cao dày, chắc chắn như chính ca từ của tác phẩm: "Bài hát có ngọn núi quê anh xa vời. Bài hát có đồng lúa miên man câu hò... Bài hát có ngọn gió cuốn bay theo dấu chân tròn...". Người thương binh bước lên sân khấu, tình nguyện tháo chân giả của mình, làm nền cho ca sĩ, những hình ảnh giản dị nhưng mang sức truyền tải thông điệp to lớn. 94,04% là mức độ yêu thích của khán giả dành cho tác phẩm của nhạc sĩ Trần Tiến.