#GNsP (26.10.2016) - Đây là ông thương phế binh Nguyễn Văn Đực, một cựu quân nhân của nền Đệ nhị Cộng hòa. Rời cuộc chiến bằng thân phận tàn phế, ông Đực giả từ vũ khí trở về đời thường, trở về vùng quê Gò Công với đôi cánh tay trai trẻ đã gửi lại chiến trường.
Thế nhưng những ngày bình yên sống đời dân dã của người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đã mau chóng bị vùi lấp với biến cố tháng tư năm 1975. Kể từ đó, thân phận của những người như ông Đực đã bị gạt ra bên lề cuộc sống, với những đòn thù của chính quyền mới từ chuyện gán cho cả nhà ông là thành phần ngụy.
Ông không hề than vãn. Ông hài lòng khi những đứa con của mình dẫu nghèo khó, nhưng hiếu thảo, lo lắng cho cha mẹ. Ngày rời cuộc chiến, ông nói rằng mình cứ mãi giấc mơ hòa bình đơn giản. Một giấc mơ với những hình ảnh bình thường của cuộc sống hàng ngày. Giấc mơ khi mỗi buổi chiều, mình được thảnh thơi nghe tiếng chuông chùa làng vang từ xa, nhìn làn khói bếp bốc lên, và ăn một bữa cơm đạm bạc với vợ con và những đứa cháu. Thế nhưng nhà cầm quyền đưa ra hết chính sách này đến chính sách khác để đeo đuổi thù hận với những người từng tham chiến trong cuộc tương tàn huynh đệ. Vậy là cái nghèo cứ mãi đeo đuổi cả nhà ông. Trong mọi bản lý lịch khi nhập học, khi đi làm của con cái của ông từ mấy mươi năm trước đã buộc phải ghi là thành phần ngụy, có người cha là thương phế binh ngụy.
Những hình ảnh này dễ làm cho người ta chạnh lòng về mái ấm của một cựu binh nền đệ nhị cộng hòa. Cuộc chiến đã lùi xa lắm rồi, nhưng sự nghèo khó thì vẫn đeo đuổi ông, đeo đuổi cả nhà ông suốt ngần ấy năm hậu chiến.
Thế nhưng ghi nhận của chúng tôi là hình ảnh của một ông thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa không hề bi quan trong nếp nghĩ. Ông nói rằng mấy năm nay nhờ có chương trình chăm sóc sức khỏe của văn phòng Công lý và Hòa bình của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn dành cho các mảnh đời thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa như ông, cùng các chiến hữu đã gửi phần thân thể cho công cuộc gìn giữ tự do cho đồng bào miền Nam, đã tạo thêm cơ hội để ông gặp lại những đồng đội cũ.
Buồn vui sẻ chia của bốn thập niên thời hậu chiến giúp ông nhận ra rằng, mình vẫn còn may mắn hơn nhiều chiến hữu khác đã không còn trên cõi đời này để thấy rằng người dân miền Nam chưa bao giờ quên những người lính Việt Nam Cộng Hòa.
Pv. GNsP